LED Việt với LED Trung Quốc: Cuộc đấu 10 vs 90

Những sản phẩm LED chất lượng do Việt Nam sản xuất đang phải nhọc nhằn cạnh tranh với các sản phẩm nhập lậu, trốn thuế, chất lượng thấp từ Trung Quốc với giá thành chỉ bằng 1/2 đang tràn lan trên thị trường.

10 vs 90 – Cuộc đấu có cân sức?

Theo một thống kê mới đây, 90% đèn LED trên thị trường Việt Nam là hàng Trung Quốc. Các sản phẩm đèn LED Trung Quốc trôi nổi trên thị trường được quảng cáo chất lượng tốt, tuổi thọ lên đến vài chục nghìn giờ và giá cả chỉ bằng một nửa các sản phẩm cùng công suất, tuổi thọ giờ của các hãng lớn như Philips, Rạng Đông,MPE...

Tuy nhiên, thực tế khác xa quảng cáo.

“Chúng ta vẫn ngộ nhận cứ đèn LED là tốt, thực tế không hẳn” - PGS.TS Đỗ Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Giám đốc Khoa học Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Chiếu sáng Rạng Đông, cho biết tại Hội thảo "Đèn LED - Cơ hội, thách thức ở Việt Nam" diễn ra cuối tuần trước.

Theo một nghiên cứu độc lập của Rạng Đông giữa đèn LED Trung Quốc có giá thành rẻ trên thị trường với đèn LED Philips, Rạng Đông,MPE kết quả là: Trong một vài trăm giờ đầu tiên, không nhìn ra được sự khác biệt. Nhưng sau đó, sự khác biệt rất rõ ràng.

Tại nhiệt độ 105 độ C, quang thông của đèn LED giá rẻ đã giảm còn 70% sau hơn 500 giờ hoạt động. Nguồn: Rạng Đông. 

Nhãn mác đèn LED giá rẻ ghi tuổi thọ chiếu sáng là 50.000 giờ nhưng thực tế chỉ 500 giờ, thậm chí chỉ 300 – 400 giờ thì bắt đầu tối đi, tức chỉ được khoảng 1% tuổi thọ như quảng cáo, có đèn ghi công suất 7W nhưng qua kiểm tra chỉ được 5W, PGS.TS Thành cho biết.

Trong môi trường 60 độ C, quang thông của đèn LED giá rẻ chỉ còn 60% khi hoạt động trong vòng 500 giờ. Nguồn: Rạng Đông. 

“Chất lượng loại đèn LED bán rất rẻ trên thị trường còn kém hơn cả đèn compact” – ông Thành nhận xét.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh trên phân khúc mới mà thị trường thiếu minh bạch và tiêu chuẩn chất lượng còn tù mù ở Việt Nam khiến doanh nghiệp Việt Nam rất chật vật.

“Khó khăn lớn nhất với chúng tôi hiện nay là thị trường không minh bạch. Tình trạng nhập lậu, trốn thuế, chất lượng thấp với giá thành rẻ đang là cái khó cạnh tranh cho chúng tôi” - KS. Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông – bộc bạch.

Cuộc bành trướng của LED Trung Quốc

Nếu như tại Việt Nam, sản phẩm Trung Quốc chiếm tới 90% thị trường đèn LED thì trên thế giới, trong năm 2017, Trung Quốc đã cung cấp tới 40% sản phẩm này.

Năm 2016 vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc có một đại diện nằm trong Top 10 nhà cung cấp linh kiện LED toàn cầu năm 2016 theo xếp hạng của IHS Technology – một công ty nghiên cứu uy tín trên thế giới – công bố vào Tháng Sáu vừa qua. Đó là công ty MLS, đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng dựa trên doanh số tính bằng USD nói trên. 

Trước năm 2010, cả nước Trung Quốc có 50 máy MOCVD – máy tạo lớp tinh thể trong việc sản xuất LED. Nhưng sau 2010, khi bằng phát minh về phương pháp trên hết thời hạn, không phải mua bằng sáng chế, Trung Quốc đã tăng lên 800 máy và hiện nay Trung Quốc có 2000 máy trên tổng số 6000 máy của thế giới.

“Từ năm 2011, hầu hết sản lượng sản xuất LED mới đóng góp cho thị trường thế giới đến từ Trung Quốc”, IHS dẫn lời Jamie Fox - chuyên gia phân tích LED của IHS.

Đấy là con số đáng suy nghĩ, đặc biệt khi các linh kiện điện tử, linh kiện LED của Trung Quốc có thể mua bằng túi, bằng kilogram, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng LED bán cho người tiêu dùng, ông Thăng cho biết.

“Đấu trường” đèn LED tại Việt Nam không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc, mà ngay cả với 10% thị phần ít ỏi, các doanh nghiệp chân chính vẫn đang phải giành giật từ những doanh nghiệp “copy mù” – sao chép, lắp ráp một cách giản đơn từ các linh kiện bên ngoài.

Các doanh nghiệp này đã mua các linh kiện về lắp ráp một cách giản đơn mà không có các thiết bị kiểm tra nhiệt độ lớp tiếp xúc và tuổi thọ sản phẩm. Trong khi đó, theo ông Thăng, linh kiện được thiết kế tốt chỉ đảm bảo được 30% chất lượng của cả sản phẩm. Còn trên thực tế, sản phẩm có đảm bảo được thông số thiết kế hay không thì 70% là phụ thuộc quá trình công nghệ sản xuất.

Không thể đấu bằng giá

Chuyên gia về LED - PGS.TS Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận: “Để cạnh tranh, các nhà sản xuất trong nước không nên chiến đấu về giá với Trung Quốc. Chúng ta không thể làm được điều đó”.

“Chúng ta phải tạo ra những sản phẩm mang tính chất chuyên biệt, chuyên dụng cho cây nông nghiệp của người Việt Nam, cho bà con nông dân Việt Nam và phù hợp trong điều kiện Việt Nam. Làm được như vậy, các sản phẩm đèn LED do người Việt Nam chế tạo sẽ có chỗ đứng trên thị trường”.

Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng tiết lộ, công ty sẽ cạnh tranh bằng cách đưa hàm lượng tri thức và vật liệu mới vào những chi tiết nội địa hóa. Hơn nữa, để tạo sự khác biệt, công ty đã tạo ra những sản phẩm đăng ký độc quyền mà chỉ Việt Nam mới có, đồng thời, hướng vào kênh chiếu sáng nhân tạo phục vụ nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Thăng cũng thừa nhận: “Với thị trường không minh bạch, không được kiểm soát, không  được đánh giá kỹ, cái khó nhất của chúng tôi lúc này là tính minh bạch của thị trường. Muốn làm ăn nghiêm chỉnh như các Giáo sư của chúng tôi đòi hỏi thì cạnh tranh rất khó”.
 

 Đìu hiu kết nối giữa doanh nghiệp và tùy viên khoa học công nghệ của các Đại sứ quán

“Các công ty Trung Quốc khi phát triển LED thì có một mạng lưới các tùy viên khoa học công nghệ ở các Đại sứ quán có trách nhiệm thu thập thông tin về tình hình phát triển công nghệ LED và sử dụng LED.

Nhưng khi sang Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và hỏi về tùy viên khoa học công nghệ, thông tin có thể không chính xác, nhưng phải nói là rất đìu hiu. Hầu như không có sự liên lạc giữa tùy viên khoa học công nghệ của Đại sứ quán với các đơn vị trong nước “. Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) Hoàng Quốc Dũng cho biết.

Ông Dũng cho hay ông đưa ra nhận định nói trên dựa vào một điều tra “bỏ túi” với khoảng 15 doanh nghiệp và thông tin thu thập tại 7 nước ông đi qua.